Cho trẻ sơ sinh bú
Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất đem lại lợi ích lâu dài về sức khỏe cho bé, thậm chí bạn chỉ cho bé bú trong vài tuần. Bé bú mẹ sẽ ít bị nhiễm trùng và dị ứng hơn bé bú bình. Hơn nữa, nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong hai tháng sẽ làm giảm nguy cơ ung thư vú cho bà mẹ sau này. Nuôi con bằng sữa mẹ rất tiện lợi vì không cần đến bình hoặc dụng cụ sát trùng và có thể thực hiện mọi nơi và mọi lúc.
Tư thế cho con bú đúng cách
NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ
Khi bé bú vào núm vú và quầng vú mẹ (da màu nâu xung quanh núm vú), có hai quá trình xảy ra. Thứ nhất, tuyến yên của mẹ được kích thích nhằm tiết nội tiết tố prolactin để sản xuất sữa. Thứ hai, tuyến yên cũng phóng thích oxytocin, kích thích nang sữa co thắt để đẩy sữa vào ống sữa và đến núm vú. Tiến trình này gọi là phản xạ sinh sữa.
Trong vài ngày đầu sau khi sinh vú chỉ sản xuất ra một lượng nhỏ sữa non (khoảng 3 đến 4 muỗng cà phê mỗi ngày). Sữa này màu vàng trong, cung cấp nước, protein và chất khoáng cần thiết cho bé cho đến khi bạn có sữa thật sự. Sữa non cũng chứa kháng thể của mẹ gọi là lactoferrin với nồng độ cao, giúp bé chống nhiễm trùng. Nếu vì một lý do nào đó, bé không thể ở bên cạnh bạn ngay sau khi sinh, bạn nên vắt sữa non và cho bé uống.
Vú bạn bắt đầu sản xuất sữa trắng với số lượng nhiều vào khoảng ngày thứ ba trở về sau. Sữa mẹ chứa mỡ, carbohydrate, protein và những chất dinh dưỡng khác với tỷ lệ hợp lý để đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh của bé. Sau khi có sữa, bạn có thể cho bé bú 12 lần trong một ngày. Một thời gian sau, bạn sẽ cho bé bú cứ 20 phút/lần, mỗi lần cách nhau hai đến bốn giờ.
CÁCH CHO CON BÚ
Khi cho bé bú, toàn bộ quầng vú của bạn nên để lọt trong miệng bé. Nếu bú đúng, miệng bé mở to và bạn sẽ cảm thấy lực hút trên vùng này. Nếu bé bú chưa đúng, phải bắt đầu lại. Không nên để bé chỉ bú ở núm vú của bạn vì như vậy sẽ làm vú bạn đau và nứt. Bé nên bú hết một bầu vú trong mỗi lần bú để nhận được sữa loãng lúc đầu nhằm làm vơi cơn khát và sẽ được tiếp tục bú sữa đặc chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn ở đoạn sau.
Bạn cần phải có tư thế thoải mái khi cho con bú. Bạn nên ngồi tựa lưng và đặt một chiếc gối dưới bé để bạn không phải cúi. Bé nên nằm đối diện với bạn, tốt hơn hết chỉ để đầu bé quay về vú của bạn. Bạn cũng có thể nằm bên cạnh bé.
VẮT SỮA MẸ
Bạn có thể vắt sữa của bạn bằng tay hoặc bằng bơm hút. Bơm hút sữa có một cái phễu để bạn đặt lên quầng vú, không để không khí lọt vào. Bơm có thể hoạt động bằng pin hoặc bằng tay. Trước khi bắt đầu vắt sữa, bạn nên sát trùng bình chứa của bơm. Bạn có thể bảo quản sữa trong tủ lạnh đến 24 giờ hoặc làm đông lạnh trong túi đông lạnh vô trùng. Bằng cách này bạn có thể bảo quản sữa được 6 tháng.
BÚ BÌNH
Bú bình có một số thuận lợi so với bú mẹ, không kể đến việc chồng bạn có thể cho bé bú. Sữa bột được làm từ sữa bò (có loại được làm bằng đậu nành nếu con bạn bị dị ứng với sữa bò). Nó được tăng cường các vitamin và chất khoáng và tỷ lệ gần giống với sữa mẹ.
Nếu bạn muốn đổi từ bú mẹ sang bú bình, nên chuyển đổi một cách từ từ, bắt đầu là một bình mỗi ngày, để bé quen dần với núm vú cao su và mùi vị của sữa bột. Bằng cách này, bạn cũng sẽ tránh được hiện tượng vú bị cương cứng do không cho bé bú. Nếu bạn đã nặn sữa vào bình khi cho bé bú mẹ, việc chuyển sang bú sữa bình tương đối dễ hơn. Đôi khi việc nhờ người khác cho bé bú bình sẽ dễ dàng hơn đối với bạn.
Điều quan trọng là phải vệ sinh và có kế hoạch khi cho bé bú bình. Nên rửa bình thật kỹ trước khi tiệt trùng. Dùng nước mát đã đun sôi để pha sữa. Bạn có thể chuẩn bị trước những bình dùng trong ngày và để trong tủ lạnh. Bé bú bình cần phải uống thêm nước, vì sữa bình không làm đã cơn khát của bé như sữa mẹ. Nên cho bé uống nước mát đã được đun sôi.
Nhiệt độ của sữa bình tùy theo thói quen của bé. Một số bé thích uống sữa lạnh lấy ra từ tủ lạnh. Nếu bạn hâm sữa lại, luôn luôn phải thử nó ở mặt trong cổ tay bạn, và nếu bạn hâm sữa bằng lò vi sóng, phải lắc đều bình trước khi thử nhiệt độ sữa.
CHƯỚNG BỤNG
Bé bú mẹ thường nuốt ít hơn khi bú. Ngược lại, bé bú bình nuốt nhiều hơi hơn vì miệng bé ngậm vú cao su không kín, thế nên hay bị chướng bụng. Hai tư thế chính giúp bé tống hơi ra là bồng vác lên vai và ngồi trong vòng tay của bạn. Khi bé ngồi trong vòng tay, bạn phải giữ đầu của bé. Thực quản của bé cần phải tương đối thẳng để không khí thoát ra ngoài dễ dàng. Xoa vùng lưng của bé và để một khăn mỏng dưới cằm bé, tránh cho sữa chảy ra. Một số bé dễ làm thoát hơi ra hơn những đứa khác và bạn phải tìm ra cách hiệu quả nhất để giúp bé.
Trích "cẩm nang mang thai toàn tập - Lesley Regan"
Thế Giới Mẹ Và Bé - Nơi bạn gửi trọn niềm tin!
http://sausinh.com.vn
Hotline: 090-666-5483/ 0909-97-91-94
Chăm sóc trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ ngay khi trẻ chào đời |
Cho con bú đúng cách |
Những điều cần biết khi cho bé bú bình. |
Những lưu ý khi cai sữa cho bé |
Nuôi con bằng sữa mẹ |